1. Nhận diện các doanh nghiệp:
- Nhận diện các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này phải được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động.
Người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin về đơn vị đang thực hiện tuyển dụng, quảng cáo thông qua việc đối chiếu với danh sách doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, địa chỉ: http://www.dolab.gov.vn hoặc phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện. Rà soát kỹ nội dung trên hợp đồng dịch vụ giữa các bên trước khi ký kết, phải có đầy đủ thông tin về quyền và trách nhiệm của các bên, nội dung công việc, chi phí, thời hạn, địa điểm làm việc, người sử dụng lao động…
- Đối với các chương trình do Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai như: Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS); Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (Chương trình IM Japan); Chương trình tuyển chọn, đào tạo và đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc tại CHLB Đức; Chương trình đi làm việc tại Đài Loan; Chương trình thực tập sinh hộ lý Nhật Bản… được đăng tải trên website của Trung tâm lao động ngoài nước theo địa chỉ http://www.colab.gov.vn. Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản (Chương trình EPA, do Cục Quản lý lao động ngoài nước triển khai) được đăng tải trên website, địa chỉ: http://www.dolab.gov.vn.
- Người lao động tuyệt đối không nghe theo các thông tin không chính thống và không liên hệ các tổ chức, cá nhân môi giới. Khi phát hiện có cá nhân, tổ chức có dấu hiệu lừa đảo, người lao động cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an địa phương để ngăn chặn, xử lý kịp thời.
2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:
- Chấp hành đúng quy định pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện đúng các nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và các cam kết với người lao động về nghĩa vụ tài chính, công việc và các chế độ liên quan; thực hiện công khai, minh bạch các khoản phí, hướng đến giảm chi phí cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài.
- Tích cực, chủ động, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng lao động; thông báo danh sách cán bộ tư vấn, tuyển chọn của doanh nghiệp đến chính quyền địa phương để phối hợp triển khai; đảm bảo cán bộ cử đến làm việc tại các địa phương phải mang theo giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và giấy tờ hợp lệ khác của doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn vay vốn, hỗ trợ chi phí ban đầu cho người lao động từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ khi đi làm việc ở nước ngoài đúng quy định.
- Định kỳ hàng tháng (trước ngày 15 hàng tháng), doanh nghiệp báo cáo kết quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND huyện (đính kèm phụ lục 2).
Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh về UBND huyện (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) để giải quyết./.