Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Hội, đoàn thể
UBND huyện, thị xã
Về Bác Vọng thăm miếu Thị Độc
Ngày cập nhật 09/10/2023

Tại khu vực bến đò Quai Vạc thuộc làng Bác Vọng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, có một ngôi miếu ẩn mình dưới tán cây bồ đề đã có tuổi. Đó là miếu Thị độc, do người dân địa phương tự lập nên để tưởng nhớ, phụng thờ một nhân vật lịch sử đã xả thân đền nợ nước cách đây gần 130 năm: Thị độc học sỹ Đặng Hữu Phổ.

Đặng Hữu Phổ sinh ngày 29/9 năm Giáp Dần (1854) tại làng Bác Vọng. Ông là con trai trưởng của Phò mã Đặng Huy Cát và Công chúa Tĩnh Hòa (tức nữ sĩ Huệ Phố - con gái vua Minh Mạng). Đặng Hữu Phổ thi đỗ Cử nhân khoa Mậu Dần (1878), lúc 24 tuổi. Ông làm quan đến chức Thị độc Học sỹ Hàn lâm viện thời Tự Đức. Thời kỳ Đặng Hữu Phổ làm quan là thời kỳ mà chủ quyền của nước ta đã và đang dần mất hết vào tay thực dân Pháp. Không thể chịu mãi cảnh lăng nhục và ngạo mạn quá đáng của người Pháp, phe chủ chiến của Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường tích cực chuẩn bị lực lượng và cơ sở vật chất để quyết chiến với giặc. Cha con Đặng Hữu Phổ được Tôn Thất Thuyết giao nhiệm vụ chiêu mộ nghĩa sĩ, lập đội quân Đoàn kiệt ở ngoại thành Huế để ứng chiến.

Đêm mồng 4, rạng mồng 5/7/1885, khi Tôn Thất Thuyết đang chỉ huy cuộc tập kích quân Pháp ở Huế, thì Đặng Hữu Phổ cùng cha cũng lãnh đạo đội Đoàn kiệt đánh vào huyện nha Quảng Điền. Cuộc khởi nghĩa của phe chủ chiến thất bại, vua Hàm Nghi xuất bôn. Trận chiến của cha con Đặng Huy Cát - Đặng Hữu Phổ cũng bất thành, cả hai ông đều bị giặc bắt. Triều đình Ðồng Khánh và thực dân Pháp cố dụ hàng để lung lạc sĩ phu và nhân dân, nhưng không được. Cuối cùng, chúng đem cha con ông ra xử. Đặng Hữu Phổ đã khẳng khái nhận hết mọi trách nhiệm, gánh tội thay cha. Ông bị khép án tử. Đặng Huy Cát bị án trảm giam hậu. Giặc còn hèn hạ sai người đến đốt nhà của cha con ông, khiến kho sách “Đặng gia tàng thư” bị cháy rụi.

Ngày 20 tháng 7 năm Ất Dậu (29/8/1885) Đặng Hữu Phổ thọ hình tại bến đò Quai Vạc bên dòng Bồ giang quê ông. Trước khi đền nợ nước, ông có làm bài thơ “Lâm hình thời tác” còn truyền cho đến bây giờ. Tương truyền có mặt tại pháp trường, chứng kiến cái chết bi hùng của chủ tướng, hai người lính hầu của ông đã quá đau lòng hộc máu và chết theo chủ.

 
Đặng Hữu Phổ được an táng cạnh mẹ ông ở xứ Cồn Căng - làng Bác Vọng, cách nơi ông thọ hình khoảng 1 km về phía đông. Ngay tại nơi Đặng Hữu Phổ xả thân đền nợ nước, nhân dân đã kính cẩn dựng ngôi miếu thờ thay nhau khói hương sóc vọng. Khu lăng mộ và miếu thờ được Bộ VHTT, nay là Bộ VH-TT&DL, xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào tháng 1/2001.
 
Ngôi miếu - nói chính xác chỉ như là một chiếc am mà nhiều gia đình ở Huế vẫn thờ. Diện tích độ 5 - 7 tấc vuông, được xây trên một bệ đỡ cao chừng 1,2m. Bên trong thờ 3 bát nhang. Bát nhang ở giữa thờ Đặng Hữu Phổ, hai bên là 2 bát nhang thờ 2 người lính hầu. Phía trước miếu thờ là một bức bình phong thấp với chiếc bàn soạn bằng xi măng. Ngay cạnh bên tả ngôi miếu là một mái che nhỏ được đúc bằng bê tông, bên dưới gắn 3 tấm bia đá khắc nội dung bằng công nhận di tích lịch sử-văn hóa, tiểu sử của Đặng Hữu Phổ bằng 2 thứ tiếng Việt - Anh... Tất cả được bao quanh bởi một bức tường rào bằng chè tàu thấp, hình thang cân. Với một tên tuổi đã đi vào lịch sử, một di tích cấp quốc gia, một địa chỉ văn hóa - lịch sử mà nhiều người vẫn thường tới lui để viếng thăm, bái vọng. Thế nhưng vóc dáng hiện tại của điểm di tích này vẫn đang còn quá đơn sơ đến nao lòng. Một sự đầu tư tôn tạo là điều không chỉ có chúng tôi mà chắc chắn nhiều người khác nữa đang ước mong, chờ đợi...
 
Miếu thờ Đặng Hữu Phổ (bên trái là miếu cũ, bên phải là miếu mới)
Khu di tích lăng mộ Đặng Hữu Phổ
Nguồn tin: Diên Thống- Báo Thừa Thiên Huế.
Quang Hoanh: CC Văn hoá - xã hội xã Quảng Phú
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 125.273
Truy cập hiện tại 83