Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Hội, đoàn thể
UBND huyện, thị xã
CÁCH MẠNG MÀU, NGUY CƠ, TIỀM ẨN ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Ngày cập nhật 26/09/2023

               Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó có nguyên nhân từ việc các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá trên nhiều phương diện. Đặc biệt, những năm gần đây, các thế lực thù địch đã và đang chống phá cách mạng nước ta với nhiều hình thức, mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Mũi nhọn quan trọng và thâm độc nhất là tiến công vào nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chế độ XHCN và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam... Trong đó có hình thức với tên gọi là “cách mạng màu”.

            Bản chất âm mưu, thủ đoạn của “cách mạng màu”

          Cách mạng màu là thuật ngữ chỉ các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng chính trị, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới; lợi dụng những mâu thuẫn, khó khăn của chính quyền đương nhiệm để tạo ra nguy cơ chính trị, thông qua việc bầu cử tự do và “cách mạng đường phố” để lật đổ chính quyền hợp pháp, dựng lên chính quyền thân Mỹ và phương Tây. Ở các nước xã hội chủ nghĩa và nước có xu hướng đi lên chủ nghĩa xã hội thì chúng tìm mọi cách lật đổ và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lập đảng chính trị cầm quyền mới đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, mục tiêu là lật độ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lập ra đảng phái chính trị đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa do Mỹ và phương Tây định đoạt. Hiện nay, đối tượng của cách mạng màu hết sức đa dạng, có thể diễn ra ở nước có chế độ chính trị khác nhau, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, các thế lực thù địch cũng đã manh nha sử dụng kịch bản này và đã có dấu hiệu ở một số vụ, việc.

        Nhận diện nguy cơ tiềm ẩn “cách mạng màu” qua các vụ, việc, điểm nóng đã xảy ra ở Việt Nam

Trong nhiều năm qua, các thế lực thù địch luôn không ngừng sử dụng chiến lược diễn biến hoà bình nhằm xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, những biểu hiện của cái gọi là “cách mạng màu” đã manh nha xuất hiện ở Việt Nam, đó chính là các cuộc tụ tập đông người dưới nhiều lý do, trong đó có cả những cuộc tụ tập, đập phá gây bất ổn cho xã hội. Có thể nhắc đến những vụ việc bạo loạn, lợi dụng nhiều vấn đề chính trị, xã hội từ bảo vệ chủ quyền đến bảo vệ môi trường, lợi dụng dự án luật… gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tác động đến tình hình chính trị của nước ta. Từ năm 2014 đến nay, các hoạt động có tổ chức, tính toán được các đối tượng thực hiện, mục đích nhằm gây rối loạn, mất trật tự xã hội, cản trở sự phát triển làm mất uy tín của chính quyền, tạo cơ hội đầu cơ chính trị cũng như tạo điều kiện cho các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng tình hình để thực hiện những mưu đồ “đục nước béo cò”, gây bất ổn về tình hình chính trị ở trong nước.

            Có thể nêu một số vụ việc sau: năm 2016 sự việc công ty Formosa xã thải gây ô nhiễm môi trường biển, sự cố đã được chính quyền và công ty khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, tuy nhiên dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường các đối tượng đã kích động một số cuộc tụ tập đông người có hành vi bạo lực vi phạm pháp luật dưới chiêu bài “vì môi trường, chống Công ty Formosa Hà Tĩnh”, gây mất ANTT, TTATXH tại một số địa phương ở các tỉnh Miền Trung.

            Năm 2018, một kịch bản thâm độc lập lại khi các thế lực thù địch lợi dụng cái cớ là phản đối dự thảo luật đặc khu tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt tại tỉnh Bình Thuận xảy ra vụ việc các phần tử xấu hô hào gọi là “Hoạt động phản đối Dự thảo Luật Đặc khu”, “thể hiện lòng yêu nước”… lôi kéo kích động người dân tụ tập đông người trái phép, gây rối an ninh, trật tự, chống người thi hành công vụ, cố ý huỷ hoại tài sản, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Đối với vụ việc này các thế lực không đơn thuần chỉ là lôi kéo, dụ dỗ, kích động một số người mà chúng còn dùng tiền để mua chuộc, dụ dỗ người tham gia, mỗi người được trả vài trăm nghìn đồng để tham gia biểu tình, hưởng ứng, thậm chí gây thương tích với lực lượng công an thì số tiền còn lớn hơn. Tài trợ kinh phí, hô hào gây rối, xúi giục xuống đường thậm chí là bạo loạn chính trị là những thủ đoạn nhem nhuốc để giật dây, gây rối hòng phá hoại Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.

            Năm 2019, tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” có trụ sở tại Mỹ do Đào Minh Quân - quốc tịch Mỹ cầm đầu, chỉ huy đã lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin bằng cách tổ chức chiến dịch trưng cầu dân ý, “vẽ” ra nhiều dự án cùng những lời hứa hẹn sẽ cấp đất, xây nhà để đánh vào lòng tham của một số người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết; đặc biệt người dân ở các vùng thiểu số, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn khó khăn; chúng đã dựng lên các chiêu trò bịp bợm như hứa hẹn phong chức tước, bổ nhiệm cho các thành viên, đồng thời bịa đặt những thông tin, luận điệu xuyên tạc nhằm lừa phỉnh những người nhẹ dạ, nhất là những người có trình độ học vấn thấp hay những người bất mãn, tiêu cực… Vì miếng bánh vẽ không có thật đã làm cho nhiều người nhận dính bẫy cứ chờ đợi trong hy vọng; tuy nhiên nhà, đất không thấy đâu chỉ thấy vướng vào vòng lao lý.

           Tháng 6 năm 2023 sự việc 74 người dân bị kích động, xúi dục, mua chuộc, lôi kéo dùng hung khí để tấn công trụ sở làm việc của xã EA Tiêu và xã EA Ktur tỉnh Đắk Lắk, dẫn đến 4 đồng chí công an xã hy sinh, đồng chí bí thư Đảng ủy xã EA Ktur và đồng chí chủ tịch UBND xã EA tiêu cùng với một số người dân vô tội chết; sự việc thiệt hại lớn cho chính quyền và mất mát lớn của gia đình và địa phương; đặc biệt làm người dân hoang mang, mất ANTT, TTATXH tại tỉnh Đắk Lắck. Vì vậy, cần nhìn nhận lại thấu đáo tiến trình các vụ việc, các vấn đề nổi cộm để đưa ra các phương án phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn, manh nha các yếu tố “cách mạng màu” có thể gây ra trong thời gian tới.

             Qua các vụ việc cho chúng ta thấy thời gian, địa điểm, lý do viện cớ để kích động có thể khác nhau nhưng rõ ràng kẻ đứng đằng sau những vụ gây rối đều chung một thủ đoạn là nhen nhóm lên những đốm lửa phá hoại, mưa dầm thấm lâu bằng những thủ đoạn này để chúng gieo rắc tâm trạng bất mãn, tiêu cực cho một số người dân để đến khi thích hợp sẽ tổ chức kích động, tiến hành bạo loạn. Đứng đằng sau các cuộc tụ tập đông người này liệu tất cả những người xuống đường để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ môi trường, bày tỏ quan điểm của mình với Luật Đặc khu… đều là những người muốn đem chính kiến của mình góp ý vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hay không? Liệu tất cả các hành động đập phá có phải là do bộc phát hay không? Hay tất cả những hành động phạm pháp đó đều có bàn tay sắp đặt kích động giật dây, thậm chí còn tung tiền để lôi kéo tụ tập? Trên thực tế, đã có nhiều vụ án cho thấy có không ít tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã cấu kết với nhau để đào tạo cái gọi là đấu tranh bất bạo động. Có thể nhìn thấy lực lượng tài trợ trực tiếp cho các hoạt động phản kháng phi bạo lực, điển hình của “cách mạng màu” là hàng trăm tổ chức phi chính phủ của phương Tây hoạt động trên khắp thế giới.

               Các hoạt động nhằm thực hiện “cách mạng màu” ở Việt Nam

               Từ những vụ việc đã diễn ra thời gian qua theo phân tích trên, có thể nhận diện chiêu bài của các đối tượng trong và ngoài nước chủ yếu thực hiện với các hoạt động và mục đích để kích động nhằm xây dựng cho một cuộc “cách mạng màu” diễn ra ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất: thông qua hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng nhằm tạo tiền đề về tư tưởng, chính trị, xã hội cho một cuộc “cách mạng màu” ở Việt Nam. Âm mưu của các thế lực thù địch nhằm hướng tới là tạo khủng hoảng về niềm tin, ý thức hệ và chuẩn mực giá trị trong các tầng lớp xã hội đặc biệt là cán bộ, đảng viên, tri thức. Tăng cường sử dụng hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng và các nền tảng xã hội mới như Facebook, Tiktok, Telegram… để kích động, chia rẽ nội bộ, truyền bá tư tưởng chính trị đối lập, hoạt động chống đối chính quyền và đối tượng mà chúng hướng tới là các nhóm xã hội như một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, tín đồ tôn giáo, người khiếu kiện, công nhân đình công… Ngoài ra, các thế lực thù địch hướng đến tuyên truyền phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó truyền bá tư tưởng chính trị phản động (như tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; phủ nhận dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, đề cao xã hội dân sự…) tạo cơ sở cho việc tập hợp hình thành lực lượng chính trị đối lập với đảng; kích động các hoạt động biểu tình, gây rối an ninh, gây bạo loạn.

Thứ hai: hoạt động tác động, chuyển hoá nội bộ, hình thành nhân tố chống đối từ bên trong, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bên trong nội bộ. Lợi dụng quá trình hợp tác giữa Việt Nam, Mỹ và các nước phương Tây tăng cường tiếp cận nội bộ thông qua các chương trình dự án nhằm thực hiện mục tiêu “dân chủ hoá” Việt Nam. Các lực lượng “cách mạng màu” tác động làm thay đổi đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ta theo hướng tạo điều kiện cho sự ra đời của các khuynh hướng tư tưởng, tổ chức, lực lượng chính trị đối lập ở Việt Nam; tác động phân hoá, xâm nhập, hình thành lực lượng chống đối trong nội bộ hệ thống chính trị; thúc đẩy hình thành “xã hội dân sự” theo tiêu chí Mỹ và phương Tây nhằm hình thành môi trường đa nguyên chính trị, tạo mầm mống cho sự ra đời của các tổ chức chính trị đối lập ở Việt Nam.

Thứ ba: hoạt động dựng “ngọn cờ” và lực lượng nòng cốt cho “cách mạng màu” ở Việt Nam được thể hiện qua các phương thức sau: Tăng cường xâm nhập người về Việt Nam trực tiếp tiến hành hoạt động chống đối; lôi kéo, kích động người tham gia tổ chức và hoạt động chống đối. Tổ chức đào tạo, huấn luyện các đối tượng chống đối trong nước nhằm tạo ngọn cờ nòng cốt. Từ đó tập dượt cho các kịch bản “cách mạng màu” ở Việt Nam.

Có thể khẳng định, với mục đích nhằm thông qua hoạt động tuyên truyền tác động tư tưởng, kích động, khoét sâu các mâu thuẫn xã hội nhằm tạo tâm lý phản kháng chính quyền, kích động lôi kéo quần chúng hoạt động biểu tình, phá rối an ninh gây bạo loạn, lợi dụng vấn đề khiếu kiện, tranh chấp đất đai cơ sở tôn giáo, tranh chấp biển đảo để kích động biểu tình ở các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh… Đây là các hoạt động chính của các thế lực thù địch ở ngoài nước móc nối với các đối tượng chống đối trong nước để tiến hành các mục tiêu nhằm thực hiện “cách mạng màu” ở nước ta. Khi các hoạt động này thực hiện, chúng tác động đến các lĩnh vực của đời sống, chính trị, xã hội, tác động trực tiếp và gián tiếp đến chính trị, kinh tế, văn hoá ở nước ta... Từ đó, có thể dẫn đến những nguy cơ nguy hiểm tiềm ẩn mất trật tự xã hội, gây bất ổn, xung đột, tạo điểm nóng ở một số nơi và nguy cơ gây nên mâu thuẫn trong một bộ phận quần chúng nhân dân. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình với non sông đất nước; phải trở thành nhân tố nòng cốt trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân; phải trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo, linh hoạt, tự tin, bền chí, kiên cường trong đấu tranh trên mọi phương diện, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những âm mưu diễn biến hòa bình của thế lực phản động./.

 

Trần Đình Hoà, Bí thư xã Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 145.750
Truy cập hiện tại 54