Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Hội, đoàn thể
UBND huyện, thị xã
Kỷ niệm 55 năm ngày mất Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967 – 6/7/2022) “Có lòng tin của dân là có tất cả”
Ngày cập nhật 07/07/2022

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 – 1967), một trong hai Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ra trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ Nguyễn Vịnh đến Nguyễn Chí Thanh

Năm lên 14 tuổi cha mất, Nguyễn Vịnh phải bỏ học ở trường làng đi làm thuê kiếm sống. Chứng kiến nỗi nhục mất nước và sự cơ cực của người dân, ông bắt đầu giác ngộ cách mạng, đứng ra tập hợp thanh niên trong làng lập hội kín chống cường hào, ác bá tại địa phương.

Năm 1934, Nguyễn Vịnh tham gia Mặt trận Bình dân. Từ những năm 1936-1938, ông hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ ở Huế, dưới sự dẫn dắt của các nhà cách mạng đàn anh như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu...

Tháng 7/1937, Nguyễn Vịnh chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương, đến đầu năm 1938 trở thành Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên khi mới 24 tuổi. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông đã lãnh đạo Nhân dân và các dân biểu tiến bộ đấu tranh làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp.

Cuối năm 1938, ông bị địch bắt và giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế), rồi sau đó bị đày lên các nhà ngục Lao Bảo, Buôn Ma Thuột… Ở trong tù, Nguyễn Vịnh kiên cường giữ vững khí tiết của người Cộng sản, bất chấp mọi sự đàn áp, tra tấn của kẻ thù. Không chỉ đứng ra thành lập chi bộ Đảng, ông còn khởi xướng các cuộc đấu tranh của tù nhân trong nhà lao.

Năm 1941, Nguyễn Vịnh vượt ngục tù trở về và bắt tay xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng tại vùng đầm phá Cầu Hai (Phú Lộc). Chỉ một thời gian ngắn, nhờ sự lăn lộn với phong trào và bám sát Nhân dân, ông cùng các đồng chí khác xây dựng lại cơ sở cách mạng trong quần chúng, khôi phục lại những cơ sở Đảng bị địch đánh phá ở nhiều huyện trong tỉnh như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc và  đô thị Huế… Đây là những năm tháng đầy thử thách, nhưng cũng là thời gian quyết định sự trưởng thành vượt bậc của đồng chí với những cống hiến xuất sắc của bản thân trong công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Năm 1943, Nguyễn Vịnh lại bị địch bắt, đến năm 1945, ông cùng nhiều tù nhân chính trị khác được trả tự do.

Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào tháng 8/1945, Nguyễn Vịnh được bầu vào Ủy viên Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và được Bác Hồ đặt tên Nguyễn Chí Thanh. Từ đó, cái tên Nguyễn Chí Thanh đã đi vào lịch sử cách mạng, lịch sử quân đội ta.

Giữ vững lập trường, trọn đời phục vụ Nhân dân

Cũng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn ra những phẩm chất của một nhà lãnh đạo quân sự tài ba trong Nguyễn Chí Thanh và ông được Người tin tưởng, trở thành học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dưới danh nghĩa quân Đồng minh quay trở lại xâm lược Việt Nam. Đảng ta nhận định, khi chiến sự nổ ra thì Huế là mặt trận chủ yếu, nếu địch chiếm được Huế sẽ mở rộng chiến tranh trên đất Bình-Trị-Thiên, thực hiện chia cắt chiến lược hai miền Nam - Bắc nước ta.

Trong tình thế cấp bách, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Chí Thanh triệu tập hội nghị toàn Xứ, chỉ đạo công tác xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; thành lập các đoàn quân Tây Tiến, Nam Tiến, giúp cách mạng Lào và cách mạng miền Nam; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến đang cận kề.

Tháng 2/1947, Mặt trận Huế vỡ, các lực lượng cách mạng Thừa Thiên buộc phải rút khỏi nội thành để lên chiến khu. Từ đây, thực dân Pháp khủng bố, xóa trắng cơ sở Đảng từ nông thôn đến thành thị. Phong trào cách mạng Thừa Thiên lúc này tưởng chừng như không thể cứu vãn.

Trước tình hình đen tối, tháng 3/1947, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy ở Nam Dương (Quảng Điền), nhằm chỉnh đốn tổ chức Đảng và công tác kháng chiến. Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân”…

Theo Nghị quyết Hội nghị Nam Dương và sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh, quân ta phải đánh một số trận, diệt một vài đồn để gây lại lòng tin cho Nhân dân, để trả lời cho Nhân dân biết là cách mạng vẫn còn, kháng chiến vẫn còn, xóa tan luận điệu Việt Minh đã bị tiêu diệt…

Đến giữa năm 1948, sau quá trình ổn định tổ chức và lực lượng kháng chiến, bằng uy tín của mình, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được chỉ định làm Bí thư Phân khu ủy Bình -Trị - Thiên, sau là Bí thư Liên khu ủy Khu 4, nhằm lãnh đạo toàn Khu bước vào giai đoạn tổng phản công. Bằng lòng tin và sự quyết tâm thực hiện lời hịch cứu nước của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tạo nên một phong trào Bình - Trị - Thiên khói lửa cực kỳ anh dũng, vẻ vang, góp phần chặn đứng âm mưu chia cắt và mở rộng chiến tranh ra vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh của thực dân Pháp. Trên một vùng nông thôn rộng lớn của Bình - Trị - Thiên, đâu đâu cũng có chính quyền cách mạng, có dân quân du kích hoạt động. Từ chiến trường này, đường lối chiến tranh du kích được khắp các tỉnh hưởng ứng và học tập, tạo thành phong trào rộng lớn trong cả nước… Báo chí Pháp gọi ông là “cứu tinh của Bình - Trị - Thiên”, bởi “Ngay từ những năm khói lửa đầu tiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã thể hiện tài nghệ của mình, trong đó cơ bản nhất là tổ chức dân, nắm lại dân, dựa vào dân để tổ chức lực lượng đánh địch” như lời nhận xét của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Ngày 31/8/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 036/SL phong quân hàm cấp tướng cho 16 sĩ quan quân đội, trong đó Nguyễn Chí Thanh được phong quân hàm Đại tướng - vị Đại tướng thứ hai của Quân đội Nhân dân Việt Nam (sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Dự lễ phong quân hàm ngày 1/9/1959, Bác Hồ căn dặn: "Dù ở cương vị nào chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đầy tớ trung thành và tận tụy của Nhân dân”.

Thay mặt những đồng chí được phong quân hàm cấp tướng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trân trọng hứa: Luôn luôn làm đúng lời căn dặn của Bác, giữ vững lập trường, trọn đời phục vụ Nhân dân.

Mùa hè năm 1967, trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí ra Hà Nội báo cáo tình hình chiến sự miền Nam với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Chưa kịp trở lại chiến trường miền Nam thực hiện những lời căn dặn của Bác thì  Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột từ trần vào ngày 6/7/1967, do cơn đau tim nặng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho chiến sĩ và đồng bào cả nước. Ngay trong ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 75/SLCT truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Hình ảnh Bác Hồ lấy khăn lau nước mắt khi đến viếng người học trò xuất sắc của mình thể hiện sự đau đớn, tiếc thương của Người đối với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Nguồn: (baothuathienhue.vn 06/7)

Nguyễn Văn Bảo - CC Văn phòng - Thống kê xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 168.829
Truy cập hiện tại 2.161