Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Hội, đoàn thể
UBND huyện, thị xã
Sốt xuất huyết - những dấu hiệu nặng - khi nào cần nhập viện
Ngày cập nhật 15/07/2022

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm virus Dengue từ muỗi vằn đốt gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn với đặc điểm là sốt, xuất huyết và có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Vậy bị sốt xuất huyết có những dấu hiệu như thế nào là nặng? Khi nào cần nhập viện điều trị.

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết

Thông thường, thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết diễn ra trong khoảng 4 đến 7 ngày, đôi khi có thể kéo dài lên tới 14 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh vẫn khỏe mạnh và không biểu hiện triệu chứng gì, nhưng khoảng 12-18h trước khi có triệu chứng sốt thì người bệnh đã có thể là nguồn lây bệnh. Do quá trình ủ bệnh kéo dài và âm thầm nên rất nhiều người khi mang mầm bệnh mà không hề hay biết, rồi vô tình làm phát tán virus từ khu vực này tới khu vực khác làm bùng phát thành dịch lớn.

Trong trường hợp người mang mầm bệnh sốt xuất huyết bị muỗi đốt và lây cho người thân trong gia đình hoặc người sinh sống trong cùng khu vực thì khi người lây bệnh đã khỏi hoặc sắp khỏi bệnh thì người bị lây mới bắt đầu có hiện tượng sốt. Và trong thời gian ủ bệnh này, nếu người bệnh có làm xét nghiệm thì cũng không thể phân biệt được bị sốt xuất huyết hay là nhiễm các loại bệnh khác.

Sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn sốt thường từ ngày một đến ngày ba của bệnh thường có các triệu chứng như sốt cao liên tục, đột ngột, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, đau nhức hai hố mắt.

Giai đoạn nặng (nguy hiểm) thường từ ngày 3 đến ngày 7, giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Bệnh nhân đau bụng nhiều, liên tục, đau nhiều vùng gan, vật vã, lừ đừ, li bì. Xuất hiện xuất huyết, các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Đôi khi bệnh nhân có thể lơ mơ, rối loạn tri giác, nôn ói, khó thở, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu miệng, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, tiểu máu, xuất huyết âm đạo bất thường.

Giai đoạn hồi phục thường sau ngày 7, người bệnh hết sốt, cảm giác khỏe hơn, thèm ăn, tiểu nhiều, có thể phát ban da gây ngứa (ban hồi phục).

Sốt xuất huyết trở nặng

Nhiều người hiểu không đúng khi mắc sốt xuất huyết sẽ nặng khi các biểu hiện xuất huyết niêm mạc như chảy máu lợi, kinh nguyệt sớm, tiểu ra máu,…Tuy nhiên, ngoài triệu chứng xuất huyết, bệnh còn có các biểu hiện nặng khác như tụt huyết áp, suy đa tạng, viêm não,… Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Dấu hiệu sốt xuất huyết cần nhập viện

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ từ nhẹ đến nặng. Trong đó, các dấu hiệu của sốt xuất huyết nhẹ bao gồm: Sốt cao đột ngột, nhiệt độ từ 39 – 40 độ C, kéo dài trong 2 – 7 ngày, rất khó hạ sốt; Đau đầu dữ dội ở vùng trán, đau sau nhãn cầu; Có thể xuất hiện hiện tượng xuất huyết, nổi mẩn, phát ban.

Trong khi đó, sốt xuất huyết nặng bao gồm các dấu hiệu của sốt xuất huyết nhẹ kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây:

Xuất huyết, xuất hiện các chấm huyết ngoài da, có chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất hiện vết bầm tím tại chỗ viêm, nôn/ói ra máu tươi hoặc máu đen, đi cầu phân có màu đen (do xuất huyết nội tạng).

Đau bụng, buồn nôn, nôn, tay chân lạnh, cả người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng dẫn đến mất máu, tụt huyết áp), sốt xuất huyết nặng không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng thường bắt đầu xuất hiện từ 3 – 7 ngày sau khi khởi phát bệnh. Nếu bạn hoặc các thành viên trong gia đình có sốt kèm bất kỳ triệu chứng nào sau đây, cần nhập viện ngay, theo dõi và điều trị: Đau cơ hoặc đau bụng dữ dội, nôn mửa liên tục (ít nhất 3 lần trong vòng 1 giờ); Chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng; Nôn ra máu hoặc có máu trong phân; Thở nhanh và khó thở; Cảm thấy mệt mỏi nhiều, vật lộn, lừ đừ, li bì; Chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; Có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì; Trên 6 giờ không tiểu tiện

Nguồn: Thuathienhue.gov.vn

Nguyễn Văn Bảo - CC Văn phòng - Thống kê xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 168.829
Truy cập hiện tại 1.377