Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
Hội, đoàn thể
UBND huyện, thị xã
Quảng Điền nói không với đốt rơm trên đồng
Ngày cập nhật 27/05/2021

Ứng dụng Hue-S để tiếp nhận thông tin, kịp thời xử lý, kết hợp tuyên truyền, vận động với phương châm "mưa dầm thấm sâu"... việc đốt rơm rạ sau thu hoạch trên các xứ đồng ở Quảng Điền đã hạn chế đáng kể.

 

Thu hoạch xong 7 sào lúa đông xuân, ông Nguyễn Sơn Tịnh ở xã Quảng Thành thu gom hết số rơm đưa về nhà dự trữ làm thức ăn cho trâu. Nhà nào nuôi nhiều trâu, có khả năng thiếu thức ăn khi các xứ đồng sắp vào vụ lúa hè thu được ông Tịnh thông báo đến nhận rơm miễn phí.

Ông Tịnh bảo, nhiều năm trước thường đốt rơm rạ trên đồng sau mỗi vụ thu hoạch. Từ khi được địa phương, ban, ngành tuyên truyền những tác hại của việc đốt rơm rạ trên đồng, ông đã bỏ hẳn. Một số hộ còn đốt rơm trên đồng, ông đến khuyên ngăn, nếu không nghe ông báo chính quyền địa phương đến xử lý.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng, việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng chỉ cung cấp một phần nhỏ dinh dưỡng cho đất, nhưng lại làm mất đi một lượng lớn nước trong đất do bị bốc hơi, các keo đất không duy trì được, trở nên chai cứng, khô cằn, mất đi độ phì nhiêu. Việc đốt rơm rạ trong mùa khô còn gây khói bụi, làm ô nhiễm môi trường và dễ gây cháy nổ.

Nhiều năm qua, xã Quảng Thành cũng như các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Điền luôn quan tâm, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý rơm rạ, không đốt trực tiếp trên đồng sau thu hoạch. Nhận thức của người dân đang ngày một nâng cao, trong vài vụ trở lại đây, tình trạng đốt rơm rạ trên đồng rất hiếm. Riêng vụ lúa đông xuân nay chưa phát hiện tình trạng đốt rơm rạ trên các xứ đồng.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự thông tin, vụ lúa đông xuân này, các địa phương đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa (máy cuộn rơm…) trong việc thu gom, vận chuyển rơm rạ. Các HTX vận động xã viên, nông dân ứng dụng các chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Việc đốt rơm rạ sau thu hoạch sẽ gây nhiều tác hại, ô nhiễm môi trường sống, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông và làm tiêu hủy các vi sinh vật có lợi trong đất, làm cho chất đất ngày càng xấu đi, kéo theo hệ lụy giảm năng suất và sản lượng cây lúa. Huyện Quảng Điền phối hợp với Sở TT&TT thiết lập đường dây nóng và triển khai ứng dụng Hue-S tiếp nhận phản ánh của các cá nhân, tổ chức đốt rơm rạ trên đồng ruộng để kịp thời có biện pháp xử lý.

Để giúp người dân hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch, các xã, thị trấn cũng đã hợp đồng với các chủ máy cuốn rơm tiến hành thu gom cho người dân. Mỗi cuộn rơm có giá 15 ngàn đồng, mỗi sào 5-6 cuộn. Đây là giải pháp xử lý rơm sau thu hoạch rất hiệu quả, được nông dân hưởng ứng tích cực. Ngoài sử dụng máy cuộn rơm, có được kết quả này phải kể đến sự tuyên truyền tích cực, nhiều cán bộ HTX, chính quyền địa phương đến tận nhà, tận đồng ruộng để vận động, hướng dẫn nông dân với phương châm "mưa dầm thấm sâu".

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, qua kiểm tra, giám sát trong vài vụ gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Trong khi đó, hầu hết các xứ đồng trên địa bàn huyện Quảng Điền sau khi thu hoạch được bà con thu gom đưa về nhà xử lý, một phần ủ làm phâm hữu cơ, phần dự trữ làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò.

Sưu tầm: Nguyễn Hồng Lâm – Chủ tịch Hội Nông dân xã

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

 

Tin bài: Hồng Lâm: Chủ tịch Hội Nông dân xã
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 168.829
Truy cập hiện tại 3.818