Mặc dù, trên địa bàn huyện chưa xảy ra tai nạn giao thông đường thủy; tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn do một số chủ phương tiện thủy nội địa chưa nhận thức đầy đủ và không chấp hành nghiêm quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là các đò ngang vận chuyển hành khách tại tuyến đò ngang Cồn Tộc - Vĩnh Tu và các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn huyện nhằm phòng ngừa tai nạn đường thủy xảy ra, UBND huyện đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 29/6/2018 về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm trên địa bàn huyện.
Qua đó, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt một số nội dung công việc sau:
1. Ban An toàn giao thông huyện
- Chủ động tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia giao thông đường thủy trên địa bàn huyện.
- Chủ trì theo dõi việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan, các thành viên Ban An toàn giao thông phụ trách địa bàn, báo cáo UBND huyện tại các kỳ sơ kết, tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
2. Phòng Kinh tế - Hạ tầng (cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông huyện)
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định khi tham gia giao thông đường thủy nội địa; đặc biệt là tại bến đò Cồn Tộc - Vĩnh Tu. Đồng thời, vận động người dân sinh sống tại khu vực phá Tam Giang có các đò ngang đang hoạt động đánh bắt thủy sản không thực hiện tiếp nhận vận chuyển khách du lịch nhằm đảm bảo an toàn đường thủy nội địa.
- Chủ động phối hợp với Công an huyện, UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê việc đăng ký, đăng kiểm đối với các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn huyện; đồng thời, có phương án vận động, tuyên truyền, xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật.
3. Công an huyện
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thủy nội địa không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không đăng ký, đăng kiểm theo quy định; thiếu dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chở quá số người và phương tiện theo quy định, chở hàng hóa quá tải trọng, quá vạch mớn nước; thuyền viên, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
- Chỉ đạo lực lượng Công an phụ trách tăng cường kiểm tra các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn. Xử lý nghiêm các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn.
4. Đài Truyền thanh huyện
Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tiếp tục đưa các tin bài, xây dựng chuyên mục riêng tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa trên hệ thống Đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn để nâng cao ý thức, nhận thức của người dân khi tham gia giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn.
5. UBND các xã, thị trấn
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông thủy nội địa đối với các chủ phương tiện và người dân; đặc biệt đối với phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn.
- Chủ động thống kê, rà soát các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi đang hoạt động trên địa bàn có đăng ký, đăng kiểm và chưa đăng ký, đăng kiểm để phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác quản lý; đồng thời, đề xuất các giải pháp, biện pháp xử lý đối với các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi không đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn hoạt động khai thác, vận chuyển không đảm theo quy định.
- UBND các xã: Quảng Lợi, Quảng Ngạn thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện đò dân sinh phục vụ khai thác thủy sản tiếp nhận khách du lịch không đảm bảo theo quy định; đồng thời, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện, hành khách đi đò tại bến đò Cồn Tộc thuộc địa bàn xã Quảng Lợi và bến đò Vĩnh Tu thuộc địa bàn xã Quảng Ngạn như: hành khách không mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cầm tay khi đi đò; đò không bố trí đủ phao cứu sinh, cứu đắm; đò chở quá số người và phương tiện,…
- Khẩn trương tiến hành thông báo, khảo sát và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tham gia đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thủy thủ theo yêu cầu của UBND huyện tại Công văn số 526/UBND ngày 25/5/2018; gửi về UBND huyện (qua phòng Kinh tế - Hạ tầng) trước ngày 10/7/2018.
6. Tổ giám sát hoạt động bến đò Cồn Tộc – Vĩnh Tu
- Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các phương tiện đò ngang hoạt động đưa đón, vận chuyển hành khách, phương tiện tại bến đò ngang Cồn Tộc – Vĩnh Tu.
- Phối hợp với Công an huyện xử lý đối với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa đối với các chủ phương tiện và người đi đò như: không có bằng lái phù hợp; sử dụng đò không đăng ký, đăng kiểm để hoạt động đưa đón hành khách; hành khách không mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi cầm tay khi đi đò.